04/09/2014 07:15 GMT+7

Bác Ba Phi - Người nông dân hào sảng

VÂN TRƯỜNG
VÂN TRƯỜNG

TT - Bác Ba Phi là một nhân vật có thật ở Cà Mau. Tuy nhiên rất nhiều thông tin viết về ông hiện nay chưa chính xác, có khi thêu dệt khiến con cháu ông không hài lòng.

Ông Nguyễn Tấn Lực (cháu ông Ba Phi) và bà Nguyễn Thị Anh (con dâu ông Ba Phi) kể chuyện về người đàn ông nhiều giai thoại - Ảnh: V.TR.
Ông Nguyễn Tấn Lực (cháu ông Ba Phi) và bà Nguyễn Thị Anh (con dâu ông Ba Phi) kể chuyện về người đàn ông nhiều giai thoại - Ảnh: V.TR.

Trong quá trình đi tìm lại sự thật, phóng viên đã phát hiện thêm nhiều câu chuyện độc đáo, ly kỳ xung quanh nhân vật này.

Ai cũng biết ngày trước bác Ba Phi sở hữu hàng ngàn công đất và được xem là một tiểu điền chủ ở xứ Cà Mau. Không ít người viết rằng số đất này là của hương quản Trần Văn Tế “bù đắp” cho ông khi gả con gái Trần Thị Lữ do bà không được đẹp.

Thế nhưng các con cháu của ông một mực phủ nhận chuyện này. 

Ở đợ, được vợ

Từ TP Cà Mau, chúng tôi đi thêm gần 100km nữa mới đến được nhà và khu mộ ông Ba Phi ở cuối một con đường thuộc xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời. Sau khi tiếp xúc với hậu duệ của ông, từ con dâu đến cháu nội, cháu cố và những người từng gặp ông trước đây thì chúng tôi mới tá hỏa: rất nhiều thông tin về ông Ba Phi trên mạng hiện nay, kể cả ở trang Wikipedia, là không chính xác.

Bà Nguyễn Thị Anh (82 tuổi) là con dâu trưởng, cũng là người đang giữ gìn, coi sóc khu mộ ông Ba Phi mấy chục năm qua. Bà Anh về làm dâu nhà này từ năm 1952 nên biết rõ nhiều chuyện. Theo bà, bác Ba Phi tên thật là Nguyễn Long Phi, sinh năm 1884 tại tỉnh Đồng Tháp và mất năm 1964, thọ 80 tuổi. Tấm bia mộ ông trong vườn nhà cũng ghi rõ thông tin này. 

Ông là con trai trưởng trong gia đình có năm anh em nên nếu gọi đúng phải là Hai Phi. Vì loạn lạc nên cả gia đình phải bỏ xứ đi và cuối cùng dừng chân, lập nghiệp ở tận vùng đất giáp biển Cà Mau. Năm đó Hai Phi chỉ mới được 10 tuổi.

“Tui nghe kể lại là hồi nhỏ ba chồng tui cao lớn và rất khỏe mạnh. Khi đi phát cỏ khai hoang thì ông luôn làm nhiều gấp rưỡi người khác. Năm lên 18 tuổi Hai Phi bị Pháp bắt đi làm phu, rồi sau đó bị đưa sang nước ngoài làm lính lê dương. Được mấy năm thì ông trốn về Thái Lan, rồi lần mò về rừng U Minh này sống cho đến khi qua đời” - bà Anh kể.

Và trong thời gian sống trong rừng U Minh, Hai Phi được kết thân với Tư Ứng là con của hương quản Trần Văn Tế - một người giàu có bậc nhất xứ này. Hai Phi được Tư Ứng đưa về nhà chơi nhiều lần. Hương quản Tế để ý thấy Hai Phi khỏe mạnh, hiền lành nên kêu ở lại làm tá điền, coi sóc ruộng đất của gia đình, thực chất là ở đợ.

Dần dần bản tính siêng năng và tính nết thật thà của Hai Phi đã chinh phục được hương quản Tế. Ông này có ý gả con gái thứ ba tên là Trần Thị Lữ cho Hai Phi để biến thằng tá điền khố rách áo ôm thành người trong gia đình.

Có điều để thử lòng Hai Phi, hương quản Tế ra điều kiện: “Phải ở rể thêm ba năm nữa mới được cưới con gái ông”. Do thời gian đó bà Lữ sống ở nơi khác nên Hai Phi cũng không biết mặt mũi vợ tương lai của mình ra sao. 

Rồi ba năm ở rể cũng qua nhanh, hương quản Tế tổ chức đám cưới linh đình để gả con gái cho Hai Phi. Đến lúc này Hai Phi mới biết mặt vợ - một người con gái có nhan sắc trung bình lại hơi lùn. Khi hai người đứng cạnh nhau thì chẳng khác nào... đôi đũa lệch.

Kể từ lúc cưới vợ là con nhà danh giá thì cái tên “cúng cơm” Nguyễn Long Phi hoặc Hai Phi cũng biến mất. Mọi người đều gọi ông căn cứ vào thứ của vợ nên cái tên Ba Phi xuất hiện và... chết danh cho đến bây giờ.

Mộ ông Ba Phi - Ảnh: V.TR.
Mộ ông Ba Phi - Ảnh: V.TR.

Yêu thương người nghèo

Bà Nguyễn Thị Anh khẳng định hương quản Tế gả bà Trần Thị Lữ cho ông Ba Phi hoàn toàn không có kèm theo mấy ngàn công ruộng để gọi là “bù đắp nhan sắc” như mọi người hay đồn đại.

Bà Anh quả quyết: “Đất đai của ông hương quản Tế nằm khu vực bên kia cầu Lung Tràm. Còn đất phía bên này chạy dài ra tới biển là đất đai do ba chồng tui tự khai phá rừng mà thành như bây giờ. Hồi đó ở đây là rừng tràm bạt ngàn với rất nhiều cây cổ thụ và nhiều loài thú dữ sinh sống. Ba chồng tui giỏi võ lại khỏe mạnh, cần cù nên mới khai phá được nhiều như vậy. Người khác cũng làm nhưng không ai thành công như ông”.

Ông Nguyễn Tấn Lực (62 tuổi, cháu nội ông Sáu Đống - em của ông Ba Phi) xác nhận: “Nội tui thuật lại cho mấy anh em tui biết vùng đất này do một tay ông bác của tui khai phá mà có. Sau khi đã khai phá xong, ông bác tui kêu ông nội tui xuống đây lập nghiệp. Ông nội tui ban đầu tính không đi vì nhà có tới 11 đứa con, cần rất nhiều đất mới có thể chia đủ."

"Ông bác tui nói cứ dẫn theo hết xuống đây, ổng cho mỗi đứa 100 công ruộng mà làm. Nhờ ông bác cho nhiều đất mà sau này ba tui có mà chia cho con cái. Tui là cháu nội mà còn được hơn 50 công, tức hơn 5ha. Nhờ vậy mà sống cũng khỏe”.

Nhờ chí thú làm ăn nên một thời gian sau khi cưới vợ, ông Ba Phi sở hữu rất nhiều đất đai. Bà Anh nhớ khi về làm dâu ông Ba Phi năm 1952, bà đã nghe nói ruộng đất của ba chồng cò bay thẳng cánh. Có điều đất ở đây trồng lúa không tốt như những nơi khác nên cho dù ruộng đất nhiều như vậy nhưng kinh tế gia đình ông cũng chỉ khá giả chứ 

không gọi là giàu. Dù trở thành là “tiểu điền chủ” xứ Cà Mau nhưng tâm tính của ông Ba Phi không thay đổi. Vì xuất thân trong gia đình nghèo khó, nhờ chí thú làm ăn mà có dư dả nên ông luôn quan tâm đến người nghèo hơn mình.

Trong ký ức con cháu ông bây giờ, bác Ba Phi sinh thời còn là một người đàn ông hào hiệp với tất cả mọi người ông gặp. Ông hay nói với vợ con: “Tui từ nghèo khó mà ra nên hiểu sự thiếu thốn, vất vả của kẻ nghèo. Mình ăn cơm với muối nhưng có người không có muối mà ăn. Cho nên nếu hạt muối đó cắn làm đôi được để chia cho họ thì nên làm”.

Bà Anh kể thêm: “Hồi đó tui nhiều lần thấy người dân ở xứ khác tìm đến nhà hỏi xin đất của ba chồng tui để lập nghiệp. Nghe xong ổng cười khà khà rồi gật đầu đồng ý liền. Ngồi uống trà nói chuyện một lát thì ổng dắt người ta ra ruộng chỉ chỗ cắm cọc, cắt đất cho họ. Chưa bao giờ tui thấy ổng từ chối ai cả”. 

Câu chuyện ông Ba Phi gỡ bộ ván gõ rất quý cho người nghèo xẻ ra đóng quan tài chôn người chết luôn in sâu trong trí nhớ của người con dâu Nguyễn Thị Anh.

Bà nhớ lại: “Hôm đó ở ngoài khu vực Lung Tràm có người bệnh chết. Nhà đó nghèo lắm, đến mức không có tiền mua quan tài, trong nhà cũng chẳng có gỗ để đóng áo quan mà chôn. Họ đến nhà tìm ba chồng tui khóc than thê thảm lắm. Nghe xong ông đứng dậy đến bộ ván gõ tháo tung ra hết rồi bảo mấy người đó khiêng về xẻ ra đóng quan tài lo hậu sự cho người thân. Ban đầu họ không dám nhận vì đây là tài sản rất quý giá. Nhưng do ba tui nói nếu không nhận ông sẽ giận nên sau đó họ phải khiêng về”.

Theo gia đình, ông Ba Phi đã hiến hơn 2.000 công ruộng ở xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau cho làng xã. Đất này sau đó được cấp cho dân nghèo sản xuất. Ông chỉ chừa lại cho mình chừng 50 công để sản xuất.

Khi ông Ba Phi qua đời, con cháu ông đã chôn ngay trên khu đất cạnh nhà trước đây do chính tay ông khai phá. Khu mộ ông cùng hai người vợ đã được tỉnh lập dự án đầu tư, nâng cấp thành khu lưu niệm và du lịch.

Dự kiến đầu năm 2015 dự án sẽ được triển khai. Hiện con đường nhựa nho nhỏ dẫn vào khu mộ đã làm xong, nhưng sẽ là trở ngại lớn cho những chiếc ôtô gầm thấp bởi vì một số cây cầu ở đây có dốc cao dựng đứng gần... 40 độ.

__________________

Kỳ tới: Tài hoa và đào hoa

VÂN TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Cà Mau bác Ba Phì